Bạo lực ở Mỹ – Bài 5: Nan giải vấn đề!

Bạo lực ở Mỹ – Bài 5: Nan giải vấn đề!

Còn thế nào là văn minh, thế nào là tiến bộ? Tiêu chuẩn văn minh – tiến bộ lại do chính những người, những nước có sức mạnh về quân sự và khoa học kỹ thuật phát triển tự đặt ra. Vì vậy, thước đo căn bản của loại văn minh này chính là những bước tiến về khoa học công nghệ của một nhóm người, vốn kéo theo cấu trúc xã hội và hệ thống luật lệ để vận hành, cùng những gì tích hợp theo nó mà chúng ta có thể gọi chung là ‘văn hoá’. Chắc hẳn rằng cái hệ thống được xây đắp qua bao nhiêu thế kỷ đó có nhiều giá trị xứng đáng được gọi là văn minh. Nhưng liệu rằng những giá trị khác ngoài nó không được gọi là văn minh ư? Nói cho cùng, thước đo cho trí tuệ văn minh và khôn ngoan đích thật của con người phải thể hiện ở ‘chất lượng cuộc sống’, qua những yếu tố căn bản: hiểu biết và hài hoà với thiên nhiên, tương quan tốt lành với tha nhân, phát triển tính tự do và lòng thiện tâm (hay đời sống thiêng liêng nói chung). Xét trên nền tảng này, liệu chúng ta có gì hơn khi so sánh với những sắc dân sơ khai về mặt công nghệ, với những nhóm người có đời sống còn mang tính ‘săn bắt hái lượm’ và có cấu trúc xã hội kiểu bộ lạc? Liệu ta còn dám lớn tiếng tự khen mình là ‘văn minh’, khi nhìn lại sự lệ thuộc của mình vào cấu trúc xã hội hiện đại, vào những lối sống bị kiểm soát bởi công nghệ, những tội ác giết hại giữa con người với nhau, và một môi trường bị huỷ hoại?

  1. Hướng giải quyết

Trước cuộc khủng hoảng này, nhiều cá nhân và tổ chức khắp nơi trên thế giới đang kêu gọi tinh thần hoà giải. Nhưng phải bắt đầu từ đâu và phải đi tới đâu? Hiện tại, người ta đang bắt đầu bằng biểu tình. Âu đó cũng là một cách tốt, vì nước Mỹ vốn được hình thành và phát triển từ các cuộc biểu tình và đấu tranh, dù nó thường có nguy cơ kèm theo một số hình thức cực đoan nhất định.

Giáo dục và thăng tiến công bình xã hội là một giải pháp tốt lành khác. Việc gia tăng sự hiểu biết, nhất là về lịch sử nhân loại và các loại hình thái xã hội, sẽ phần nào thu hẹp những định kiến hẹp hòi và sai lầm. Còn khi các cơ cấu bất công được giảm thiểu, con người sẽ có điều kiện để phát triển một cách đồng đều và cân bằng hơn.

Tuy nhiên, chắc chắn các giải pháp trên không bao giờ giải quyết rốt ráo được vấn đề. Có thể chúng giúp giảm thiểu phần nào não trạng phân biệt đối xử, nhưng thường thì chúng chỉ giảm thiểu ở biểu hiện bề mặt, hoặc biến thành một số hình thức nguỵ tạo tinh vi nào đó, thậm chí có thể mang tấm mặt nạ là ‘hành xử nhân văn’, nhưng bản chất không thay đổi nhiều. Lý do là vì căn bản của não trạng phân biệt chủng tộc không nằm ở cấu trúc xã hội, mà là ở thâm tâm con người. Nó là vấn đề của con người, của cái tôi.

Xét một cách sâu hơn nữa, gốc gác của não trạng đó chính là thứ tư duy tự lấy mình làm quy chuẩn cho mọi giá trị. Nói cách khác, đó là kiểu não trạng tự đặt mình thay cho vị trí của Thượng Đế, hay tự tôn thờ bản thân. Quả vậy, nếu thật lòng có đức tin vào Thiên Chúa, chúng ta phải thực sự nghiệm thấy sự bình đẳng của mỗi nhân vị, bởi tất cả đều được tạo dựng và mang hình ảnh của Người; vì thế, ở mức nào đó, có thể nói rằng đối diện với một con người là ta đang đối diện với Thiên Chúa. Lòng tin cũng phải thể hiện ở tâm niệm rằng thước đo của mọi giá trị không phải đến từ phạm vi của bản thân, mà từ phạm vi vượt trên mình. Ngoài ra, nếu không tự quy vào mình, chúng ta sẽ có tâm trí đủ rộng mở để thấy giá trị của những khác biệt, để hiểu rằng chính điều đó làm nên vẻ đẹp và sự phong phú của gia đình nhân loại.

Vì vậy, bên cạnh các giải pháp nói trên, thiết tưởng chúng ta cần chú trọng thêm hai giải pháp sau đây:

Thứ nhất, làm sao giúp nhau ý thức được rằng chúng ta đang là những thành phần của một xã hội mang cấu trúc và lịch sử của tội lỗi, của bất công. Ý thức này không chỉ đến từ những bài học lịch sử, mà còn phải từ các hoạt động dấn thân cho tha nhân, nhất là cho người nghèo và người bị gạt bên lề xã hội. Có như thế thì con mắt và trái tim của mỗi người mới được soi rọi để thấy rằng chẳng có gì đáng tự hào khi những ‘tiến bộ’, những thành công của mình hay của dân tộc mình thực ra là kết quả của một diễn trình lịch sử hà hiếp, cướp bóc và chinh phạt; chẳng có gì đáng kiêu ngạo khi chúng ta là hậu duệ của những kẻ giết người và áp bức tha nhân.

Thứ hai, làm sao giúp nhau thấy được điều ‘linh thiêng’ trong mỗi người. Nghĩa là phải nhấn mạnh đến giá trị tôn giáo nội tại của bản chất con người. Ví dụ, với Ki-tô giáo, giá trị đó là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’, hay với Phật giáo là ‘Phật tính’. Vì vậy, thiết tưởng phải cổ võ nhau suy nghĩ, cảm nghiệm và thực hành những khía cạnh tinh thần thâm sâu nơi mỗi người, như tiếng nói lương tâm, lòng yêu mến sự thiên…

Cộng gộp hai điều đó, mỗi người chúng ta sẽ thấy mình được mời gọi để xin lỗi nhau, tha thứ cho nhau, và cho nhau một cơ hội bắt đầu lại. Đó là bước đi hoà giải đích thực, và là cách chúng ta để cho mình được giải thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của thói phân biệt đối xử, vốn là tên gọi khác của thứ não trạng loại trừ Thiên Chúa.

khoaden91

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.