Bạo lực ở Mỹ – Bài 1: Điều gì sau các vụ việc bạo lực chết người hàng loạt tại Mỹ!
- Tính nghiêm trọng của vấn đề bạo lực súng đạn tại Mỹ
Theo VTV, tính từ ngày 01/1 đến 29/01, nước Mỹ đã trải qua 44 vụ xả súng, nhiều nhất kể từ năm 2014, thời điểm bắt đầu có số liệu thống kê về các vụ xả súng hàng loạt.
Tình hình còn xấu hơn vì khi báo cáo được tung ra thì vào ngày 30/1, đã có thêm nhiều vụ xả súng xảy ra tại các bang Texas, Illinois và Alabama, trong đó nhiều nạn nhân là trẻ vị thành niên.
Một thống kê trước đó cho thấy, hơn 100 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương mỗi ngày trong các vụ việc liên quan đến súng đạn tại Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Mỹ.
Trước tiên, hãy điểm lại một số vụ việc nghiêm trọng:
– Ngày 06/01: Một học sinh tiểu học bị cảnh sát bang Virginia bắt sau khi cậu bé 6 tuổi này mang súng đến lớp và bắn giáo viên trọng thương. Cảnh sát trước đó nhận cuộc tin báo về vụ nổ súng tại trường tiểu học Richneck. Khi đến hiện trường, họ đã bắt một học sinh 6 tuổi với cáo buộc nổ súng vào giáo viên. Học sinh trên dường như đã tranh cãi với cô giáo khi chỉ có hai người trong lớp học ở khối lớp một và tiếng súng vang lên sau đó. Cảnh sát xác định đây không phải là trường hợp vô tình nổ súng. Danh tính học sinh không được công bố.
– Ngày 07/01: Karon Blake, 13 tuổi, da màu, học sinh tại trường trung học cơ sở Brookland, đã bị một người đàn ông bắn chết, theo thông tin từ cảnh sát Mỹ. Người này nổ súng sau khi “nghe thấy tiếng ồn” bên ngoài nhà mình và “quan sát thấy ai đó dường như đang can thiệp vào các phương tiện”. Vụ nổ súng đã khiến các cộng đồng trong khu vực phẫn nộ. Nhiều người đã chỉ trích việc sử dụng vũ lực gây chết người đối với người bị nghi ngờ phá hoại hoặc trộm cắp tài sản. Họ cũng yêu cầu công bố tên của kẻ xả súng và bất kỳ bằng chứng trực quan nào, thế nhưng quan chức địa phương từ chối cung cấp thông tin về thủ phạm.
– Ngày 16/01, một vụ xả súng đẫm máu đã xảy ra tại thị trấn nhỏ Goshen, bang California làm 6 người trong một gia đình thiệt mạng.
– Ngày 21/01 năm 2023, một vụ xả súng hàng loạt đã xảy ra ở Monterey Park, California khiến 10 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Vụ việc đã khiến Nhà Trắng phải treo cờ rủ.
- Một nước Mỹ đầy bất ổn nội tại
Tháng 12/2022, tạp chí Nhi khoa – tạp chí của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu cho biết chấn thương do súng đạn hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người dưới 24 tuổi tại Mỹ.
Theo một báo cáo từ Everytown, từ năm 2015 đến năm 2020, có ít nhất 2.070 vụ trẻ em dưới 18 tuổi vô ý xả súng ở Mỹ. Những vụ xả súng đó đã khiến 765 người chết và 1.366 người bị thương.
Một nghiên cứu được công bố vào cuối năm ngoái trên JAMA Network Open đã phân tích những cái chết do súng đạn trong 3 thập kỷ qua, với tổng cộng hơn 1 triệu người đã thiệt mạng kể từ năm 1990.
Đáng nói, những con số này diễn ra ngay cả khi người Mỹ được trang bị vũ khí tương tự với người dân ở nhiều quốc gia khác, Theo ước tính của Cơ quan khảo sát vũ khí nhỏ có trụ sở tại Thụy Sĩ, có khoảng 393 triệu khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân ở Mỹ, nghĩa là khoảng 120 khẩu súng cho mỗi 100 người Mỹ. Để dễ hình dung hơn, trung bình một gia đình 5 người ở Mỹ sở hữu 6 khẩu súng.
Mặc dù rất khó tính toán chính xác số lượng vũ khí thuộc sở hữu dân sự do nhiều yếu tố – bao gồm vũ khí chưa đăng ký, buôn bán bất hợp pháp và xung đột toàn cầu – nhưng không quốc gia nào khác có nhiều súng dân sự hơn người dân Mỹ.
Khoảng 45% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ sống trong một gia đình có sở hữu súng – theo một cuộc khảo sát của Gallup vào tháng 10/2022.
Những con số trên cho thấy một thực trạng đáng báo động của nước Mỹ, đó là việc sở hữu súng đạn tại nước này đang đi ngược lại hoàn toàn so với xu hướng trên toàn thế giới!
Tại Australia, chưa đầy 2 tuần sau vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất lịch sử nước này, Chính phủ liên bang đã thực hiện một chương trình mới, trong đó cấm súng trường bắn nhanh và súng ngắn, đồng thời thống nhất cấp phép và đăng ký sở hữu súng trên toàn quốc. Trong 10 năm, số người chết vì súng ở Australia ước tính đã giảm hơn 50%.
Tại Nam Phi, những cái chết liên quan đến súng gần như giảm một nửa trong khoảng thời gian 10 năm sau khi luật mới về súng – Đạo luật kiểm soát súng năm 2000 – có hiệu lực vào tháng 7/2004. Luật mới khiến việc mua súng trở nên khó khăn hơn nhiều tại quốc gia châu Phi này.
Tại New Zealand, luật về súng đã nhanh chóng được sửa đổi sau vụ thảm sát ở nhà thờ Hồi giáo Christchurch năm 2019. Chỉ 24 giờ sau vụ tấn công khiến 51 người thiệt mạng, Thủ tướng New Zealand lúc bấy giờ Jacinda Ardern tuyên bố luật sẽ thay đổi. Chưa đầy 1 tháng sau, Quốc hội New Zealand đã bỏ phiếu gần như nhất trí thay đổi luật súng đạn của nước này, cấm tất cả các loại vũ khí bán tự động kiểu quân sự.
Vương quốc Anh cũng thắt chặt luật sở hữu súng và cấm sở hữu hầu hết súng ngắn tư nhân sau vụ xả súng hàng loạt năm 1996, một động thái giúp số người chết vì súng giảm gần 1/4 trong hơn một thập kỷ.
Nhưng văn hóa súng đạn của Mỹ tỏ ra là một ngoại lệ toàn cầu, khi mà chu kỳ bạo lực chết người dường như vẫn tiếp diễn.
- Buồn cười thay, vấn đề lại nằm ở “ngôn từ”
Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng đạn Mỹ đã định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là một vụ trong đó có ít nhất 4 người bị bắn, không bao gồm kẻ xả súng. Còn Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trích dẫn luật năm 2012 định nghĩa “giết người hàng loạt” là “3 vụ giết người trở lên trong một vụ việc”.
Mass Shooting Tracker – một cơ sở dữ liệu có nguồn gốc từ cộng đồng – đã định nghĩa xả súng hàng loạt là “một vụ bạo lực bùng phát đơn lẻ trong đó 4 người trở lên bị bắn”. Everytown For Gun Safety thì định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là bất kỳ sự cố nào trong đó 4 người trở lên bị bắn chết, không bao gồm kẻ xả súng.
Nhưng điều gì lại đưa đến định nghĩa về một vụ xả súng hàng loạt phụ thuộc vào số người bị bắn? Và việc thiếu một định nghĩa chắc chắn được cho là đang cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề.
Tờ Daily Caller đã trích dẫn một định nghĩa về “các vụ xả súng hàng loạt nơi công cộng” trong một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội năm 2013, cho rằng định nghĩa này quá hẹp nên đã chỉ xác định được 78 vụ xả súng từ năm 1983 – 2012.
Một bài báo nghiên cứu năm 2019 được xuất bản trên Injury Epidemiology cũng làm nổi bật vấn đề này: “Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng đạn đã ghi nhận nhiều vụ xả súng hàng loạt nhất, với 346 vụ, vào năm 2017, trong khi Mother Jones chỉ ghi nhận 11 vụ”.
Việc thiết lập một định nghĩa cho “xả súng hàng loạt” sẽ cải thiện chất lượng của các phân tích. Điều này có thể dẫn đến sự cải thiện không chỉ trong nhận thức và hiểu biết của công chúng về các sự kiện xả súng hàng loạt, mà còn cả những tranh luận với các nhà hoạch định chính sách về luật pháp đang có ý đồ giảm bớt thiệt hại mà các vụ xả súng hàng loạt gây ra cho xã hội.
Và cho đến khi nào định nghĩa chưa được sửa lại, những kỷ lục mới về con số thương vong do súng đạn ở Mỹ vẫn sẽ diễn ra.