Bộ mặt thật của chế độ bù nhìn VNCH – Bài 2

Ông Diệm đã lỡ lời, nói hớ rằng biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới sông Bến Hải, vĩ tuyến 17. Sau đó báo chí Sài Gòn kiểm duyệt, cắt xén và biên tập lại thành “biên giới tự do kéo dài đến sống Bến Hải” cho đỡ bộc lộ bản chất tay sai. Sau đó Diệm cũng nói chữa lại bằng một câu khác, nhấn mạnh “biên giới tự do” thay thế “biên giới Hoa Kỳ”.
Sử liệu “Vietnam, the ten thousand day war”, NXB Thames Methuan, London, xuất bản năm 1982 đã ghi nhận một số câu nói của Nguyễn Văn Thiệu: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng ta nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng ta sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!”, “Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống cộng”.
Trong bộ phim tài liệu “Việt Nam – Cuộc chiến 10.000 ngày” (Tập đoàn Truyền thông Canada – CBC sản xuất, đạo diễn danh tiếng Micheal MacLear thực hiện vào năm 1980), phát lại một số video phỏng vấn cũ trong thời chiến, đã cho thấy rõ Thiệu – Kỳ trả lời phỏng vấn tự thú nhận rằng mình là bù nhìn, nghị gật, con rối của Mỹ, và ông Kỳ cũng thừa nhận chính người Mỹ coi mình là con rối.
Những đoạn video clips tài liệu này được nhóm làm phim “Cuộc chiến 10.000 ngày” của Canada mua lại và phát lên trong phim tài liệu của họ. Trong đó cho thấy khi trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, Nguyễn Văn Thiệu đã nói: “Tôi là một kẻ ba phải, nếu không phải là một con rối”. (I’m a yes-man, if not a puppet.).
Ông Nguyễn Cao Kỳ thì nói: “Việt Cộng luôn đối xử với chúng tôi như là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ, nhưng rồi chính người Mỹ cũng coi chúng tôi là những con bù nhìn của Mỹ, chứ không phải các nhà lãnh đạo thật sự của người dân Việt Nam”.
Ngoài ra, ông Kỳ khi trả lời trong cuộc phỏng vấn Báo Thanh Niên, số Xuân Ất Dậu, năm 2005 cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Ông Mỹ lúc nào cũng đứng ra làm kép chính, chúng tôi không có quyền lực và vai trò gì quan trọng, vì vậy nhiều người cho đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”.
Trong phim tài liệu “Vietnam: A Television History” do đài PBS, NBC, và ABC hợp tác sản xuất, có đoạn phóng viên phỏng vấn Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ kể lại sau khi ông ra lệnh đàn áp cuộc đấu tranh của Phật giáo và muốn hạ bệ tướng Nguyễn Chánh Thi trong một cuộc chiến quyền lực, vào đầu năm 1965. Sau đó ông và các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh, và Nguyễn Chánh Thi bị “đại sứ” Mỹ triệu tập vào và đập bàn ghế chửi mắng thậm tệ. Tướng Kỳ thật thà thú nhận rằng từ nhỏ tới lớn ông chưa bao giờ bị chửi mắng thậm tệ như thế, ngay cả cha ruột của ông cũng chưa bao giờ chửi mắng ông ta nặng và lâu đến như vậy. Sau đó, Nguyễn Khánh bị Mỹ lưu đày, và năm 1966, Nguyễn Chánh Thi cũng chịu chung số phận.
Theo quan hệ thông thường giữa các quốc gia, chỉ có chính quyền sở tại triệu đại sứ đến nói chuyện, đằng này ngược lại, mà còn bị chửi mắng, xúc phạm, sỉ nhục. Đây là một trong những điều cho thấy bản chất thật của chế độ Sài Gòn và quân đội Sài Gòn là gì.
Ngoài ra, phim tài liệu “Heart & Mind” của đạo diễn Peter Davis, do đài BBC Anh quốc sản xuất năm 1974 và đoạt giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 1975 cũng cho thấy cảnh Nguyễn Khánh cho biết Nhà ngoại giao, Đại tướng Maxwell D. Taylor của Mỹ đã đích thân ra lệnh cho ông ta phải rời khỏi nước Việt Nam. Thậm chí, Nguyễn Khánh còn lén ghi âm lại lệnh lưu đày của Taylor.
Theo các tướng tá cũ của quân đội Sài Gòn như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Chánh Thi, và cựu “dân biểu” Lý Quý Chung thì sáng ngày 30/4/1975, tướng tình báo Pháp Francois Vunuxem đã tới gặp “tổng thống” Dương Văn Minh và đề nghị kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu ngụy quyền Sài Gòn đang trong cơn nguy kịch. Tướng Minh vốn đã được Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam thông qua em trai Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, đại tá QĐNDVN) và gia đình đã thuyết phục từ trước đã từ khước và nói: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc”.
Tướng Cao Văn Viên là 1 trong 5 đại tướng trong quân đội Sài Gòn. Ông ta giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy lâu nhất, từ năm 1965 đến 1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Cao Văn Viên chạy theo người Mỹ sống luôn bên Mỹ, qua đời ở tiểu bang Virginia vào năm 2008. Trong hồi ký để lại, ông viết: “Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm về cuộc chiến ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi!”.