Tà đạo Bà Cô Dợ – Bài 2: Du nhập vào Việt Nam

Bản chất của đạo “Bà Cô Dợ” chính là hoạt động lợi dụng đạo Tin lành tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”. Đạo “Bà Cô Dợ” ảnh hưởng trực tiếp hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, lôi kéo người tin theo. Thành phần chủ yếu là đồng bào người Mông và đã là tín đồ của Hội thánh Tin lành. Thời điểm cao nhất vào năm 2017-2019, tổ chức “Bà Cô Dợ” đã có 19 điểm, nhóm với 773 người. Thời gian sau này, do nhận ra bản chất nên một số trường hợp đã từ bỏ, tính đến tháng 4/2021, tổ chức “Bà Cô Dợ” đã giảm số người.
Tà đạo Bà Cô Dợ du nhập vào Việt Nam thông qua mạng internet. Một số tín đồ đạo Tin Lành người Mông đã nghe bà Dợ giảng đạo trên mạng và tin theo. Những người theo Bà Cô Dợ tuyên truyền Chúa sẽ tái lâm lần thứ hai và đó là người Mông – Nu-Long, con trai út của Vừ Thị Dợ. Chúa sẽ cứu rỗi người Mông và cai trị thế giới 1000 năm tiếp theo.
Tại Lai Châu, giữa năm 2017, người Mông theo đạo Tin Lành ở bản Pa Mu, xã Hua Bum và bản Trung Chải xã Trung Chải huyện Nậm Nhùn đã xem và nghe bà Dợ thuyết giảng về Kinh Thánh, về Chúa tái lâm… trên kênh Youtube. Sau đó họ đã liên lạc với bà Dợ trao đổi về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và đề nghị bà Dợ giúp đỡ tiền để làm ăn. Bà Dợ đã gửi tiền cho những người này và đề nghị mua thiết bị điện tử, điện thoại thông minh, nối mạng để xem và sinh hoạt theo hướng dẫn của bà, đồng thời yêu cầu họ tuyên truyền cho những người khác tin theo hình thành nên các điểm nhóm sinh hoạt theo hiện tượng Bà Cô Dợ. Đến năm 2018, ở Lai Châu có 299 người Mông ở 3 xã của huyện Nậm Nhùn và Mường Tè đã chuyển từ theo đạo Tin Lành sang theo hiện tượng Bà Cô Dợ. Qua công tác tuyên truyền, vận động của các địa phương đã có 2 hộ với 3 người quay trở lại theo đạo Tin Lành.
Bà Cô Dợ được truyền vào tỉnh Điện Biên đầu năm 2018 thông qua các băng, đĩa, video clip được phát trên mạng internet. Các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cho biết, trong vài năm gần đây, Vừ Thị Dợ đã gửi tiền cho số người cầm đầu tuyên truyền hiện tượng Bà Cô Dợ trên địa bàn tỉnh với số tiền hàng trăm triệu đồng. Thời điểm cao nhất đã có 330 người theo hiện tượng này, với 8 người cầm đầu ở ba huyện: Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ. Huyện Mường Nhé, năm 2018, có hơn 400 người theo hiện tượng Bà Cô Dợ và hiện tượng Giê Sùa ở 6 xã trong toàn huyện. Nơi có nhiều người theo nhất là xã Mường Toong và Nậm Kè. Có xã tồn tại cả hai hiện tượng nói trên.
Để tăng thêm niềm tin vào “Bà cô Dợ”, chúng còn cắt ghép các video, hình ảnh về sóng thần, dịch bệnh và chiến tranh sẽ xảy ra, xúi giục những người theo “Bà cô Dợ” phải tích trữ lương thực (ngô, gạo rang, nước đun sôi để nguội…). Không chỉ riêng huyện Sốp Cộp, mà một số hộ dân của các huyện Phù Yên, Mai Sơn, Mường La đã tin và thực hiện theo những luận điệu tuyên truyền nhảm nhí của Vừ Thị Dợ và những đối tượng xấu khác.