Twitter có đang vi phạm quyền tự do ngôn luận?

Mạng xã hội từ lâu được rất nhiều người – nhất là những anh chị trong giới dân chủ, chống cộng ca ngợi là thiên đường tự do, là nơi người ta có thể vô lo vô nghĩ bày tỏ mọi quan điểm, viết và nói những gì tùy thích. Thế nhưng, cùng với thời gian, các mạng xã hội đang ngày càng bị tố có những động thái xâm phạm quyền riêng tư con người, từ facebook, google thu thập thông tin dữ liệu người dùng, hay mới đây nhất là các vụ lùm xùm liên quan Twitter, nhất là từ sau khi về tay tỉ phú Elon Musk.
Chỉ trong ít ngày trở lại đây, Twitter liên tục có những động thái gây phản ứng dữ dội từ cộng đồng báo chí Mỹ cũng như chính giới châu Âu. Đầu tiên, “khơi mào” cho ồn ào là việc từ ngày 15/12, nhiều nhà báo cho biết tài khoản Twitter của họ không thể truy cập sau khi đăng một số bài viết về hành trình bay của Elon Musk. Trong số những tài khoản bị ảnh hưởng có Donie O’Sullivan của CNN, Micah Lee tại The Intercept, Drew Harwell của Washington Post, Tony Webster, Ryan Mac của New York Times, nhà báo độc lập Aaron Rupar, Keith Olbermann và một số chuyên gia công nghệ thường viết về Elon Musk và Twitter.
Động thái của Musk đã khiến giới báo chí Mỹ, phương Tây và chính giới các nước phản ứng dữ dội. CNN ra tuyên bố cho rằng việc Twitter “đình chỉ tài khoản các phóng viên một cách tùy tiện và vô cớ, trong đó có nhà báo Donie O’Sullivan của CNN, là điều đáng lo ngại, nhưng không có gì ngạc nhiên”. Vera Jourova, Phó chủ tịch Ủy ban Minh bạch và Giá trị của EU, ngày 16/12 tuyên bố ông chủ Twitter về nguy cơ bị trừng phạt vì vi phạm “lằn ranh đỏ” khi đình chỉ loạt tài khoản nhà báo Mỹ: “Đạo Luật Dịch vụ Kỹ thuật số mới của EU đòi hỏi các bên phải tôn trọng tự do báo chí và các quyền cơ bản”, “Elon Musk nên nhận thức được điều đó, có những lằn ranh đỏ và cả biện pháp trừng phạt”.
Việc tự ý đình chỉ tài khoản mà không có thông báo trước của Twitter và Musk được đánh giá đi ngược lời hứa “tự do ngôn luận” mà ông đưa ra trước đó. Tuy nhiên, Musk đã phản ứng: “Chỉ trích tôi cả ngày cũng được vì tôi hoàn toàn ổn, nhưng chia sẻ vị trí của tôi theo thời gian thực sẽ gây nguy hiểm cho tôi và gia đình”.
Dường như không chịu nổi sức ép quá lớn từ dư luận, ngày 17/12 Musk đã phải tuyên bố mở lại quyền truy cập Twitter cho những người đã bị chặn, nhưng vẫn phát biểu rằng quyết định chặn của mình là đúng đắn!
Ở đây, có mấy vấn đề đáng bàn!
Thứ nhất, Elon Musk luôn tự cho mình là một người bảo vệ tự do ngôn luận, nhưng những hành động của ông ta đang đi ngược lại điều đó. Vì rõ ràng, theo quan điểm của phương tây hay được các anh chị dân chủ rêu rao, những nhà báo đó đang nói và viết tự do, thể hiện quan điểm và cái nhìn cá nhân của mình, hành vi “cấm đoán” của Musk là không phù hợp với chuẩn mực đó.
Thứ hai, các nhà báo đó đưa tin về cuộc sống cá nhân của Musk cùng gia đình theo cách rất kỹ càng, điều đó lại cũng không được hoan nghênh vì vấn đề quyền riêng tư của mỗi người. Về mặt cá nhân, Musk có lý do để hành động phản ứng lại, nhưng lôi cả Twitter vào thì rõ ràng không ổn, không thể coi Twitter như công cụ thực hiện ý muốn của bản thân.
Như vậy, câu chuyện về tự do ngôn luận ở phương Tây có vẻ như lại đang xảy ra mâu thuẫn, và chưa có hồi kết!