Đừng thừa nước đục thả câu, kích động người dân làm loạn

Đừng thừa nước đục thả câu, kích động người dân làm loạn

Gần đây, lợi dụng việc một số người dân mang băng rôn, khẩu hiệu tập trung đông người tại các chi nhánh ngân hàng SCB để rút tiền, đòi trả lại tiền, tổ chức khủng bố “Việt tân” và một số kẻ phản động như Đường Văn Thái, Lê Trung Khoa đều đăng lên mạng các tin tức, hình ảnh và lời kêu gọi tập trung đông hơn nữa, không chỉ một ngày mà một tuần, một tháng đến khi nào đòi được quyền lợi thì thôi.

Không khó để nhận ra ý đồ thật của những lời kêu gọi, xúi giục và kích động trên. Chúng đang muốn lợi dụng tâm lý đòi quyền lợi của khách hàng để kích động thành những cuộc tụ tập biểu tình, ban đầu là đòi tiền, sau đó sẽ lợi dụng xuyên tạc nhà nước, tụ tập phản đối chính sách của Nhà nước, tiếp đến sẽ biến thành bạo loạn kéo dài, đập phá trụ sở ngân hàng, cơ quan chính quyền… Đây chính là ý đồ kích động xuống đường thực hiện cách mạng màu của bọn phản động.

Trước hết, cần thấy rằng, trước những thông tin không tích cực liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt, nhiều người dân đã mang khẩu hiệu, tập trung đông người đến các trụ sở của ngân hàng SCB và Trụ sở Tiếp dân tại các tỉnh, thành phố yêu cầu Nhà nước phải can thiệp để họ được rút tiền. Sự việc trên đã kéo dài gần 02 tháng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Liệu rằng những người tụ tập mang băng rôn, khẩu hiệu đến các Trụ sở tiếp dân để đòi quyền lợi có đúng cách ? Thậm chí có kẻ ác miệng còn cho rằng vụ việc SCB là lỗi của Nhà nước.

Việc cá nhân lựa chọn để gửi tiết kiệm, hay đầu tư vào công ty nào là hoàn toàn từ quyền lựa chọn của người dân. Nhà nước không can thiệp và không có tính định hướng. Nguyên nhân chính để người dân gửi tiết kiệm vào các ngân hàng như SCB là lãi suất cao hơn so với các ngân hàng có vốn nhà nước (như AGR, VCB, BIDV.. luôn có mặt bằng lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng khác). Như vậy, đã có nhiều người đã được hưởng lợi từ quá trình gửi tiền tiết kiệm tại SCB, nay có dấu hiệu thua lỗ thì đổ lỗi cho Nhà nước. Có lẽ một số cá nhân vì quá xót của mà đã có những hành động dại dột, bất chấp tất cả để cố gắng thu về tài sản của mình. Sẽ rất nghịch lý khi có lợi nhuận thì cá nhân hưởng lợi, khi bị thua thiệt thì lại đổ tội cho Nhà nước.

Khi quyền lợi của mình bị xâm phạm thì nhà đầu tư làm thế nào để đòi lại hợp pháp? Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mọi người dân đều có thể tiếp cận thông tin và thực hiện theo cả hình thức trực tiếp và online. Để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình thì nhà đầu tư (hoặc người bị hại) phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Mọi hành vi hô hào, tập trung tại đám đông gây áp lực cho cơ quan tiếp nhận khiếu nại, tố cáo không chỉ không đảm bảo quyền lợi mà còn dễ vi phạm pháp luật về trật tự công cộng. Thậm chí, nhiều kẻ đã cố tình lợi dụng tâm lý bức xúc của người dân về vụ việc SCB để trục lợi và thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối.

Đó là lời cảnh tỉnh cho những ai đang có quyền lợi liên quan đến vụ việc SCB phải hết sức tỉnh táo và đòi quyền lợi đúng cách.

Và bà con nên tỉnh táo, đừng tin theo lời bọn phản động xúi giục, kích động, kẻo lại vạ vào thân!

khoaden91

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.