Sự thiển cận của một bộ phận ra vẻ “tri thức”

Sự thiển cận của một bộ phận ra vẻ “tri thức”

Mới đây, trên báo Vnexpress có đăng tải bài viết “Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên nước”, nội dung đại ý nói rằng lý do nước này phải đổi tên là vì không muốn bị liên tưởng tới con gà Tây (Thổ Nhĩ Kỳ trong tiếng Anh là Turkey, cũng có nghĩa là con gà Tây)! Và trong phần bình luận bên dưới có một bình luận Dần dần người Việt Nam cũng nên bỏ cách gọi tên các nước (như Thổ Nhĩ Kỳ) theo cách phiên âm của Trung Quốc đi. Cứ gọi theo chuẩn quốc tế là tốt nhất!!!???

Thật là phát biểu của một kẻ thiếu suy nghĩ

Trước kia tôi từng là một giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường tiểu học. Lúc tôi mới vào đứng lớp, có một số giáo viên cấp trên của tôi yêu cầu tôi đặt tên tiếng Anh cho các học sinh của mình. Họ bảo rằng tôi để các em ấy tự chọn cho mình một cái tên tiếng Anh, và khuyến khích các em nói tiếng Anh nhiều nhất có thể, hạn chế sử dụng tiếng Việt nhiều nhất có thể. Bọn trẻ nhao nhao lên cãi nhau, tranh giành nhau những cái tên của các siêu anh hùng, Elsa, Merida, Anna… Thế là tôi dẹp luôn ý tưởng đó, bắt chúng nó gọi nhau bằng tên cha sinh mẹ đẻ. Các giáo viên khác áp dụng cách đặt tên đó trong lớp của họ, nhưng trong giờ tôi dạy thì tuyệt đối không làm điều đó. Khi làm quen với các học sinh lớp 1, tôi yêu cầu các em ấy viết họ tên đầy đủ của mình ra, và một số em còn không viết được đúng tên của chính mình. Trong suốt thời gian dạy, tôi loại bỏ hẳn việc dạy cho các em ấy hoàn toàn bằng tiếng Anh, phải có giải thích bằng tiếng Việt thì các em ấy mới hiểu. Ví dụ như giơ ra bức ảnh mô tả vịnh (bay), nhưng rất nhiều em không hiểu và cứ nghĩ đó là bờ biển (beach). Có những em khác không biết phân biệt giữa các hình ảnh của bác sĩ (doctor) và y tá (nurse) thì cũng phải giải thích bằng tiếng Việt. Tôi bắt học sinh của mình phải nói: “Chào thầy!”, chứ không phải nói hello và bye bye. Giờ tuy không còn dạy tiếng Anh nữa, nhưng tôi không hối tiếc về hành động làm trái ý các giáo viên cấp trên của mình. Tôi dạy tiếng Anh cho học sinh nhưng không có nghĩa là tôi phải làm các em ấy quên tiếng Việt.

Bây giờ có kẻ đòi bỏ cách gọi tên các quốc gia trong tiếng Việt để gọi theo chuẩn quốc tế. Vậy chuẩn quốc tế là như thế nào? Nước Braxin tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là Brasil, tiếng Anh là Brazil, tiếng Đức là Brasilien, tiếng Pháp là Brésil. Nước Nga tiếng Nga là Россия, tiếng Anh là Russia, tiếng Pháp là Russie, tiếng Đức là Russland. Nước Tây Ban Nha tiếng Tây Ban Nha là España, tiếng Bồ Đào Nha là Espanha, tiếng Anh là Spain, tiếng Pháp Espagne. Nước Đức tiếng Đức là Deutschland, tiếng Anh là Germany, tiếng Pháp là Allemagne, tiếng Tây Ban Nha là Alemania; tiếng Nga là Германия, đọc giống hệt trong tiếng Latinh là Germania; tiếng Anh cũng có tồn tại cái tên Germania nhưng là để chỉ nước Đức cổ đại thời La Mã, không phải nước Đức hiện đại. Đó là chưa kể nước Phổ tiếng Anh là Prussia, đọc rất giống nước Nga trong tiếng Anh, và tiếng Nga cũng gọi Phổ bằng cái tên giống tiếng Anh là Пруссия, nhưng tiếng Đức lại gọi nước này là Preußen. Và nếu cứ theo chuẩn mực tiếng Anh, vậy chúng ta gọi nước Hà Lan là gì? Nước Hà Lan tiếng Hà Lan là Nederland; trong tiếng Anh thì được gọi chính thức là Netherlands, cách gọi không chính thức là Holland, nhưng tiếng Hà Lan và người Hà Lan trong tiếng Anh lại gọi là Dutch; tiếng Pháp là gọi Hà Lan là Pays-Bas. Chúng ta gọi nước Gruzia theo cách đọc của tiếng Nga là Грузия, đó là quê hương của Tổng bí thư Liên Xô Iosif Stalin. Nhưng phân biệt nó với bang Georgia của Mỹ bằng cách nào, khi trong tiếng Anh nước Gruzia cũng được viết là Georgia? Còn trong tiếng Gruzia thì nước Gruzia được viết là საქართველო, đọc là Sakartvelo. Có thể bạn không biết, Trung Quốc trong tiếng Anh được gọi là China, nhưng trong tiếng Anh, các từ như “china” hay “porcelain” cũng là để chỉ đồ sứ, từ đó hình thành câu thành ngữ “A bull in a china shop”. Và nếu cứ thích theo chuẩn mực quốc tế, thì đừng có gọi 2 nước ở bán đảo Triều Tiên là Triều Tiên và Hàn Quốc nữa, mà hãy gọi là Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên theo chuẩn tiếng Anh là North Korea và South Korea đi. Hàn Quốc là cái tên quá Hán Việt theo phiên âm tiếng Trung Quốc mà. À mà quên, ngày xưa khi lính Nam Triều Tiên còn đi theo Mỹ tham chiến ở nước ta, chúng ta cũng gọi cái nước đó là Nam Triều Tiên đó thôi. Có ai muốn gọi Nhật Bản và Triều Tiên là Phù Tang và Cao Ly không? Sao không bỏ luôn tiếng Việt và chuyển sang sử dụng ngôn ngữ quốc tế nào khác đi cho phù hợp?

Trong một đoạn phim trên YouTube nói về việc phân biệt giữa nước Đức và nước Áo, có một bình luận viết bằng tiếng Anh như sau, chắc là để trêu tức người Áo: “Khác biệt giữa Đức và Áo đó là Đức không có kangaroo”. Thế là có một bình luận trả lời như sau: “Chúng tôi không phải là Australien. Đất nước của chúng tôi tên là Österreich”. Vậy bây giờ cứ đòi phải “theo chuẩn quốc tế”, không dùng tiếng Việt để gọi tên các quốc gia nữa, thế chuẩn quốc tế nào để theo? Đến tiêu chuẩn tiếng Việt còn không biết tôn trọng thì đừng làm người Việt Nam hay nói tiếng Việt nữa.

Có thể bạn chưa biết: câu thành ngữ tiếng Anh “A bull in a china shop” theo nghĩa đen có thể hiểu là một con bò đi vào trong cửa hàng đồ sứ thì nó sẽ làm rơi vỡ các đồ sứ; nghĩa bóng là chỉ những kẻ vụng về, những người xử lý các tình huống nhạy cảm một cách tồi tệ. Câu này đã được chứng minh không đúng theo nghĩa đen, khi người ta làm thí nghiệm bằng cách dựng các kệ đồ sứ trong một chuồng bò, rồi thả vài con bò đi vào trong. Lũ bò đã cho thấy khả năng định vị phương hướng rất tốt, kể cả khi chạy thì chúng vẫn né tránh thành công các kệ đồ sứ. Vậy liệu có ai muốn áp dụng tiêu chuẩn tiếng Anh hay bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế nào khác một cách bừa bãi vào các ngôn ngữ khác không?

Vị cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một thiên tài biết ít nhất 6 thứ tiếng, đã dạy về việc học ngoại ngữ: “Muốn giỏi tiếng nước ngoài, trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ”.

khoaden91

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.