Những thành tựu nổi bật trong đảm bảo tự do tôn giáo của nhà nước Việt Nam hiện nay

Những thành tựu nổi bật trong đảm bảo tự do tôn giáo của nhà nước Việt Nam hiện nay

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được bảo đảm tốt trên thực tế. Hằng năm, có hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận (gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương), với 43 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trong đó, có 36 tổ chức tôn giáo được công nhận; 4 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 01 tôn giáo (Bửu Sơn Kỳ Hương) có một số chùa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung tương được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận Ban Trị sự, Ban Quản trị chùa; 01 Thánh đường của Hồi giáo tại số 12 Hàng Lược được công nhận Ban Quản trị thánh đường).

Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm và thúc đấy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử đối với tất cả các tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam đã đi sâu vào quá trình đổi mới với những thành tựu to lớn về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong quá trình đó, đổi mới về chính sách đối với tôn giáo đã đưa lại những thành tựu rất quan trọng, làm thay đổi căn bản đời sống tôn giáo theo chiều hướng ngày càng tiến bộ và tích cực. Những chuyển biến trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam làm sáng tỏ chủ trương và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, làm cho quần chúng tín đồ, chức sắc thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước cùng sự đổi mới của đất nước, từ đó ủng hộ và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới. Chính điều đó đã góp phần vào sự ổn định tình hình chính trị và phát triển của đất nước.

Việt Nam tích cực hiện thực hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Từ khi thành lập nước đến nay, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử đối với tất cả các tôn giáo. Chính sách này đã được thể chế và cụ thể hóa thông qua Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại khoản 1, 2 điều 24 Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Với tinh thần đó, Nhà nước ta đã luôn nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đang nỗ lực bảo đảm tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo.

Với nỗ lực rất lớn của các cơ quan nhà nước, nhằm bảo đảm các tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18-11-2016. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, với các mặt hoạt động khác có liên quan đến tôn giáo như: giáo dục, đào tạo chức sắc tôn giáo; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo; hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội… được điều chỉnh tại một số luật có liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Giáo dục… Với khuôn khổ pháp lý nêu trên, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm trên thực tế. Để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới cực đoan, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo giao lưu, hợp tác quốc tế; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng. Hằng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài, nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Cùng với đó, Việt Nam đã và đang tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động đối thoại nhân quyền, ngoại giao nhân dân, qua đó giúp cộng đồng quốc tế có những đánh giá đúng về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực, chủ động thông tin về tình hình tôn giáo tại Việt Nam để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ, đồng thời phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại tôn giáo; tiếp tục hỗ trợ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; định hướng các hoạt động tôn giáo theo đúng thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và quy định của pháp luật.

Với những thành tựu về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Việt Nam đã chủ động thông tin cho các nước, các tổ chức quan tâm thông qua các buổi làm việc, diễn đàn song phương, đa phương và kênh đối thoại nhân quyền thường niên với các nước Mỹ, EU, Úc, Na Uy. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác Hoa Kỳ, EU, bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Bên lề Hội nghị Hội nghị COP26 tại Anh vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai về vấn đề nhân quyền”.

khoaden91

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.