Lịch sử không thể bị xem nhẹ

Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống phát xít Đức, Yakovlev là chiến sĩ trên tuyến đầu. Ông ta là thương binh và là Đảng viên Cộng sản Liên Xô. Năm 1958-1959, Yakovlev sang Mỹ, bị CIA mua chuộc và trở thành điệp viên tay sai của Hoa Kỳ, trở thành kẻ chống Cộng.
Yakovlev chui sâu, leo cao lên đến chức Trưởng ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Liên Xô, dưới sự hậu thuẫn của đảng viên phản bội khác là Gorbachev. Ông ta cho rằng, chế độ XHCN ở Liên Xô chỉ có thể bị phá hủy từ bên trong, bằng cách kết hợp công khai hóa với việc áp dụng cơ chế kỷ luật của Đảng. Dùng chính cơ chế kỷ luật của Đảng để loại bỏ những ai trái ý, chống lại cải tổ. Chiến lược cải tổ gồm những kế hoạch: phi chính trị hoá lực lượng vũ trang, truyền thông và đặc biệt là tạo điều kiện, xúi giục “những đàn sói chồm lên cắn vào lịch sử”. Tổ chức xét lại, xuyên tạc lịch sử, hạ bệ chiến công của các lãnh tụ, anh hùng Xôviết, trong đó có cả việc phỉ báng Lênin, Stalin và bôi nhọ quân đội Liên Xô…kết quả là Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Bài học nhãn tiền đó Việt Nam ta phải thuộc nằm lòng, khắc cốt ghi tâm. Không thể để xét lại lịch sử, xuyên tạc cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lược của dân tộc. Chúng ta hãy cảnh giác, không để âm mưu “diễn biến hoà bình”, ru ngủ chúng ta bằng những ngôn từ hoa mỹ. Lịch sử phải được xem trọng. Chúng ta không thể tự tay đâm vào yết hầu của Tổ quốc những nhát dao chí mạng khi vô tình hay cố ý để cho cáo gửi thân trong nhà. Không thể xem môn lịch sử là thứ yếu, không thể để lịch sử là môn tự chọn.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin trước phản ứng của dư luận bằng thông báo thông tin về môn lịch sử trong chương trình năm học 2022-2023, họ cho rằng: đã lấy ý kiến từ năm 2018 trên website của Bộ và được cơ quan chức năng duyệt. Thế nhưng chẳng ai biết là họ lấy ý kiến nhân dân khi nào. Tại sao một quyết sách hệ trọng như thế lại không được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ 2018? Tại sao không lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và nhân dân nhằm phát huy trí tuệ tổng hợp? Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng trả lời nhân dân Việt Nam thế nào khi để ông Nguyễn Minh Thuyết, một trong 72 người đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp làm Tổng chủ biên? Hãy cầu thị chứ đừng cố đá quả bóng trách nhiệm cho bất kỳ ai!
Đất nước này là của nhân dân Việt Nam, do nhân dân Việt Nam làm chủ và phải vì nhân dân, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân Việt Nam phản đối biến môn lịch sử thành môn thứ yếu, ai thích thì chọn, không thích thì thôi. Lịch sử Việt Nam khác với các dân tộc khác vì nó được kết tinh bằng núi xương, sông máu của các thế hệ qua hơn 4000 năm lịch sử. Hàn Quốc, Nhật Bản… từng thử nghiệm tích hợp môn lịch sử nhưng họ đã hối hận. Không thể lý giải kiểu “lớp 1 đến lớp 9 về cơ bản đã học đầy đủ” vì ở lứa tuổi đó, nhận thức của các cháu vẫn chưa đầy đủ, không hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của môn học này. Sử học là nhân học, không thể xem nhẹ.